Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa nhật XVIII TN, năm A: Chúa hiển dung hay biến hình?

Bài 25:

CHÚA HIỂN DUNG HAY BIẾN HÌNH?

Tin Mừng Chúa nhật này trình thuật việc Đức Giê-su Hiển Dung trước mắt các môn đệ. Đây là sự tỏ bày thần tính vinh hiển của Đức Giê-su nhằm củng cố niềm tin của các môn đệ trước cuộc thương khó của Người.

Trong bài học hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự kiện “hiển dung” và ý nghĩa cuộc hiển dung của Đức Giê-su, nhưng trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu một vài khái niệm liên quan như “thần hiện” và “hiển linh”.

1. Thần hiện

Kinh Thánh nhiều lần kể lại việc Thiên Chúa tỏ bày sự hiện diện vinh quang của Người trước mắt con người, được gọi là những cuộc thần hiện của Thiên Chúa.

­ - gốc bởi từ Hy-lạp thê-os - θεός (thần, Thiên Chúa) và phai-no - φαίνω (xuất hiện) để chỉ sự xuất hiện của Thiên Chúa qua những dấu chỉ thể lý mà người ta có thể nhận biết bằng giác quan. Ví dụ như việc Thiên Chúa đến thăm ông Áp-ra-ham tại cây sồi Mam-rê qua hình hài của ba vị lữ khách (x. St 18, 1-3), hoặc hình ảnh bụi gai rực cháy và tiếng Thiên Chúa phán với ông Mô-sê trong sa mạc (x. Xh 3,2), hay việc ngôn sứ Ê-li-a đã gặp Chúa trong tiếng gió hiu hiu trên núi Khô-rếp (x. 1 V 19,13).

Thần hiện là việc Thiên Chúa tỏ mình cho con người thấy được và nghe được Người đang hiện diện cách thể lý chứ không phải trong thị kiến hay giấc chiêm bao. Thánh Tê-pha-nô “đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,55).

Thần hiện thường để chỉ những cuộc tỏ hiện uy nghi và vinh hiển của Thiên Chúa trong Cựu Ước, ví dụ cuộc thần hiện của Thiên Chúa trên núi Xi-nai khi ban bố Mười Điều Răn cho dân Ít-ra-en (x. Xh 19,16-25).

Biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa trong sông Gio-đan và cuộc hiển dung của Người trên núi cũng là những cuộc thần hiện của Thiên Chúa, trong đó người ta nghe thấy tiếng Chúa Cha phán : “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17 ; 17,5).

Kinh Thánh không dùng thuật ngữ “thần hiện” (Θεοφάνια) để chỉ việc Thiên Chúa tỏ hiện cho con người, mà dùng động từ ra-ah (רָאָה) trong tiếng Híp-ri hay hô-ra-o (ὁραω) trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “thấy”, “nhìn thấy” ở dạng thụ động nhưng mang nghĩa chủ động là “để cho thấy”, “cho nhìn thấy”, nghĩa là “xuất hiện”, “tỏ hiện” (x. St 17,1 ; Xh 3,2.16 ; Tl 6,12 ; 1 V 3,5 ; Lc 24,34 ; Cv 13,31 ; 1 Cr 15,5 v.v.).

Tân Ước còn dùng động từ phai-no (φαίνω) có nghĩa là “chiếu sáng”, cũng ở dạng thụ động mang nghĩa chủ động là “xuất hiện”, “hiện ra”. Còn có động từ pha-ne-rô-o (φανερόω) có nghĩa là “cho thấy”, “tỏ cho thấy”, cũng được dùng ở dạng thụ động với nghĩa là “tỏ mình ra” hay “biểu lộ”, ví dụ như những lần hiện ra của Chúa Ki-tô Phục Sinh (x. Mc 16,12.14 ; Ga 21,1.14).

2. Hiển linh

Hiển linh (epiphania) có gốc từ Hy-lạp ê-pi-pha-nêi-a (ἐπιφάνεια) có nghĩa là biểu lộxuất hiện, thường để diễn tả một mặc khải thần linh của Thiên Chúa, hay việc Thiên Chúa tỏ mình và can thiệp đầy quyền năng, ví dụ như “Những cuộc hiển linh của Thiên Chúa dành cho những dũng sĩ đã can trường chiến đấu cho Do-thái giáo” (2 Mcb 2,21) ; “Khi cánh quân thứ nhất của ông Giu-đa vừa xuất hiện, địch quân hốt hoảng, sợ hãi, vì Đấng thấu suốt mọi sự đã hiển linh trên chúng” (2 Mcb 12,22).

Tân Ước dùng thuật từ hiển linh (epiphania) để chỉ việc Đức Ki-tô xuất hiện lần thứ nhất trong cuộc nhập thể làm người : “Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã xuất hiện” (2 Tm 1,10).

Hiển linh cũng để nói đến việc Đức Ki-tô xuất hiện lần thứ hai trong cuộc quang lâm vinh hiển của Người : “Chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13).

“Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (1 Tm 6,14).

Cách đặc biệt, Thiên Chúa hiển linh trong biến cố Giáng Sinh khi tỏ mình ra cho dân ngoại qua các đạo sĩ đến từ phương Đông (x. Mt 2,1-12). Tuy bản văn trình thuật sự kiện này không sử dụng thuật từ hiển linh (epiphania), nhưng ngày lễ kỷ niệm biến cố này lại được gọi là lễ Hiển Linh.

3. Hiển dung

Thuật từ la-tinh transfiguratio được dùng để diễn tả biến cố Hiển Dung của Đức Giê-su trên núi trước mắt ba môn đệ thân tín của Người là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Biến cố Hiển Dung được coi là sự khẳng định thần linh về căn tính của Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, khi Người tỏ bày dung mạo vinh quang của Người trước mắt các môn đệ.

“Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,1-2).

Tác giả Mát-thêu cũng như Mác-cô (x. Mc 9,2) đã dùng động từ Hy-lạp mê-ta-mor-phô-o (μεταμορφόω), có nghĩa là biến đổi hình dạng hay biến đổi dung mạo để diễn tả sự kiện Hiển Dung.

Dựa theo ý nghĩa của động từ mê-ta-mor-phô-o mà đã có cách gọi theo la-tinh là transfiguratio, có nghĩa là biến hình.

Tác giả Lu-ca không dùng kiểu nói “biến đổi hình dạng” như Mát-thêu và Mác-cô mà nói rằng : “dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9,29), cách diễn tả này gần với ý nghĩa của sự hiển dung.

Sự biến đổi thần thiêng này nơi Đức Giê-su đã làm cho “dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2), hay “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” (Lc 9,29), vì thế biến cố này là cuộc hiển dung của thần tính nơi Đức Giê-su.

Sách Xuất hành kể lại việc ông Mô-sê lên núi gặp Chúa để lãnh nhận Mười Điều Răn và cuộc gặp gỡ này đã làm cho dung mạo ông trở nên sáng chói :

“Ông Mô-sê từ trên núi Xi-nai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Mô-sê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông. Con cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói ; ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa” 0.

Đây không phải là sự hiển dung của ông Mô-sê, vì ông không tự mình biến đổi hình dạng nên chói sáng như Đức Giê-su hiển dung. Đó chỉ là sự chiếu toả vinh quang Thiên Chúa còn đọng lại trên gương mặt ông Mô-sê.

Nhận định về sự kiện này, thánh Phao-lô dạy rằng : “Nếu việc phục vụ Lề Luật mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang, thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao ? Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao ? So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì” (2 Cr 3,7-10).

4. Ý nghĩa của biến cố Hiển Dung

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo gọi biến cố Hiển Dung là sự “nếm trước Nước Trời” (GLHTCG, 554-556) :

Từ ngày ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giê-su “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết, Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ …, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ông Phê-rô khước từ lời loan báo đó, các môn đệ khác cũng không hiểu gì hơn. Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu là cuộc Hiển Dung của Chúa Giê-su trên núi cao, trước mặt ba nhân chứng do Người lựa chọn, là các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Dung mạo và y phục của Chúa Giê-su trở nên chói sáng, ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người, “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,31). Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng từ trời phán : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

Chúa Giê-su tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát, và như vậy, Người xác nhận lời tuyên xưng của ông Phê-rô. Người cũng cho thấy rằng, để “vào trong vinh quang của Người” (Lc 24,26), Người phải đi qua thập giá tại Giê-ru-sa-lem. “Cả Ba Ngôi cùng xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói” :

Hiển Dung là “bí tích của cuộc tái sinh lần thứ hai” : đó là sự phục sinh riêng của chúng ta. Ngay từ bây giờ, chúng ta được tham dự vào sự phục sinh của Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong các bí tích của Thân Thể Chúa Ki-tô. Biến cố Hiển Dung cho chúng ta được nếm trước việc ngự đến trong vinh quang của Chúa Ki-tô, Đấng “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Nhưng biến cố ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng : “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14, 22).

Cầu nguyện

Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,

tôi còn sợ người nào ?

Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,

tôi khiếp gì ai nữa ?

Một điều tôi kiếm tôi xin,

là luôn được ở trong đền Chúa tôi

mọi ngày trong suốt cuộc đời,

để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang,

ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,

xin thương tình đáp lại.

Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ :

hãy tìm kiếm Thánh Nhan.

Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài,

xin Ngài đừng ẩn mặt.

Tôi vững vàng tin tưởng

sẽ được thấy ân lộc Chúa ban

trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Hãy cậy trông vào Chúa,

mạnh bạo lên, can đảm lên nào !

Hãy cậy trông vào Chúa (Tv 27,1.4.7-9a.13-14).

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

Nguồn: tgpsaigon.net

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng